Vào ngày rằm tháng Giêng, 1250 vị thánh Tăng tự tập trung về ngồi chung quanh đức Phật lắng nghe bài kinh Giải Thoát Giáo. Ngày đức Phật tuyên bố đạo tròn duyên mãn. Sau khi chứng đạo quả Chánh Đẳng Chánh Giác dưới cội Bồ đề, đức Phật đã dành 45 năm đi nhiều nơi thuyết pháp, ở tuổi 80 tuổi Ngài quyết định chọn thị trấn nhỏ Kusinara nhập diệt.
Theo Phật giáo thì ngày mồng một và ngày 15 Âm lịch hằng tháng được coi là ngày Rằm - ngày của Phật, các Phật tử đến ngày ấy phải đi lễ chùa. Rằm tháng giêng là rằm đầu tiên, nhiều người tin rằng ngày ấy đức Phật giáng lâm tại các chùa để chứng độ lòng thành của phật tử, lại thêm cái không khí vui xuân còn đậm đà cho nên số người đi chùa đông đảo hơn, họ bảo: “Lễ Phật quanh năm không bằng ngày rằm tháng giêng”.
Nguồn gốc Rằm tháng Giêng - Rằm Thượng Nguyên
Rằm tháng Giêng bắt nguồn từ hoạt động của Phật giáo, vào ngày này chư Tăng tập trung đông đủ để nghe Phật thuyết Pháp. Những người theo đạo Phật dùng ngày này để tưởng nhớ đức Phật.
Rằm Tháng Giêng cũng được gọi là Ngày Pháp Bảo - Dhamma Day. Cùng với ngày Phật Bảo - đại lễ Rằm Tháng Tư và ngày Tăng Bảo - Lễ Kathina tháng Mười. Bởi vì nội dung kinh Giải Thoát Giáo được xem là tôn chỉ của giáo Pháp nên đại lễ này được gọi là Ngày Pháp Bảo.
Ngày Rằm tháng Giêng còn được coi là ngày vía của đức phật A Di Đà, mà trong Phật giáo, đức phật A Di Đà là giáo chủ ở cõi Tây phương cực lạc. Là một vị phật gắn với tương lai tốt đẹp, huy hoàng, không có khổ đau.
Phái Tịnh độ tông chủ trương khuyên quần chúng chú tâm tụng niệm danh hiệu phật A Di Đà để khi chết đi được vãng sanh vào cõi Tây phương cực lạc của đức phật này. Bởi thế nên cúng cả năm cũng không bằng rằm tháng giêng là như vậy.
Ý nghĩa của ngày Rằm tháng Giêng - Rằm Thượng Nguyên
Rằm Tháng Giêng theo truyền thống Phật Giáo mang hai ý nghĩa là kỷ niệm ngày đức Phật thuyết kinh Giải Thoát Giáo tại Thánh Hội Tăng Già và kỷ niệm đánh dấu ngày Đức Phật công bố Giáo Pháp đã được thiết lập vững vàng và Ngài sẽ viên tịch trong ba tháng nữa (tháng tư).
Những người theo đạo Phật dùng ngày này để tưởng nhớ đến đức Phật. Rằm tháng Giêng tuy không phải là lễ quan trọng của Phật giáo so với rằm tháng Tư (Phật đản) và rằm tháng Bảy (Vu lan) nhưng trùng hợp với lễ Thượng Nguyên và Tết Nguyên Đán trong dân gian, đồng thời ngày này là rằm đầu tiên của năm mới, thời điểm thích hợp nhất để cầu nguyện an lành cho cả năm, nên thu hút sự tham gia đông đảo của giới Phật tử và toàn thể dân chúng.
Các hoạt động ngày Rằm tháng Giêng
Đối với Phật Tử thuần thành, ngày rằm đầu năm mới là dịp để lễ bái chư Phật, Bồ-tát, cúng dường Tăng Ni, phóng sanh, làm những việc phước thiện nhằm cầu nguyện cho gia đình, cho cộng đồng tha nhân, cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, chúng sanh an lạc.
Nhiều chùa chiền trong dịp Rằm tháng Giêng đã lập đàn Dược Sư, tụng kinh Dược Sư trong suốt tháng Giêng (hoặc từ mùng 8 đến rằm tháng Giêng), khuyến khích Phật tử tham gia tụng niệm rồi phục nguyện hồi hướng công đức an lành cho Phật tử. Thiết nghĩ, đây cũng là một cách tu tập, cầu nguyện có hiệu quả nhất để đem lại phước báo an lành như mong cầu của mọi người trước thềm năm mới.
Do Rằm tháng giêng còn là ngày vía Thiên Quan, vào ngày này nhiều người lên chùa lạy Phật, cúng sao giải hạn và ước nguyện điều lành.
Việc cúng sao giải hạn là theo quan điểm dân gian chứ không phải văn hóa Phật giáo. Vì con người cảm thấy bé nhỏ trước thiên nhiên nên cúng các vị thần để mong tránh khỏi những tai ương trong cuộc sống. Do vậy, trong đạo Phật không có cúng sao giải hạn hay coi ngày tốt, giờ tốt, tướng số,… Sự bình an trong cuộc sống nằm trong tinh thần, suy nghĩ của mỗi con người, nếu giữ tâm ý trong sạch thì lúc nào cũng cảm thấy bình an. Còn cúng sao giải hạn nhưng lại làm việc không tốt thì cũng không mang lại kết quả gì.
Xem bài viết về Tết Nguyên Tiêu - Tết Thượng Nguyên