Vu Lan còn được hiểu là lễ báo hiếu, là một trong những ngày lễ chính của Phật giáo Việt Nam. Thường vào thời điểm này trong năm những người con hiếu thảo tự nhiên cảm thấy lòng mình lâng lâng nỗi niềm bâng khuâng tưởng nhớ đến ông bà cha mẹ.

Các hoạt động ngày lễ Vu Lan

Đi lễ chùa để cầu bình an cho cha mẹ

Việc đi chùa để cầu bình an, may mắn trong dịp lễ Vu Lan sẽ mang lại may mắn, an lành cho những người thân trong gia đình bạn. Trong những ngày này, chùa thường rất đông nên việc thành tâm, thành ý cầu chúc cho cha mẹ luôn được bình an vô sự là điều vô cùng quan trọng.

Nếu bạn đang được ở cùng cha mẹ, hãy cùng họ lên chùa và tận hưởng những phút giây đoàn viên ý nghĩa. Nếu bạn đang ở xa gia đình, hãy chọn một ngôi chùa nào đó gần nơi bạn đang ở và thành tâm cầu nguyện cho cha mẹ.

Khi đi chùa, quan trọng nhất là lòng thành cầu chúc cho cha mẹ mình những điều tốt đẹp nhất, không quá quan trọng để chọn những ngôi chùa lớn, chùa nổi tiếng.

Lễ Vu Lan được tổ chức long trọng ở các chùa

Lễ cúng trong ngày lễ Vu Lan

Lễ Vu Lan được tổ chức vào 14 và 15 tháng Bảy Âm lịch, là tên gọi khác của ngày Rằm tháng Bảy. Vào ngày này, bạn nên làm một lễ cúng tạ ơn các thần linh và làm mâm cơm tưởng nhớ tới ông bà tổ tiên để cầu nguyện cho các vong hồn siêu thoát và cầu bình an cho gia đình.

Có thể cúng theo trình tự như sau: Cúng gia tiên vào ban ngày, sau đó làm lễ phóng sinh. Tiếp theo là cúng chúng sinh cho các vong hồn lang thang, đói khát.

Lễ Vu Lan và lễ cúng Cô hồn tuy trùng vào dịp Rằm tháng Bảy nhưng là hai lễ cúng hoàn toàn khác và không liên quan với nhau.

Xem bài viết Phong tục cúng cô hồn tháng 7 Âm lịch

Ăn chay trong ngày lễ Vu Lan

Trong ngày lễ Vu Lan, ăn chay được xem như là một hành động báo hiếu mẹ cha đầy ý nghĩa. Ăn chay là một tập tục tín ngưỡng của Việt Nam, đưa con người về với chốn thanh tịnh, với bản ngã của mình.

Tặng những lời chúc, món quà đến ba mẹ trong ngày lễ Vu Lan

Nhân dịp lễ Vu Lan, bạn có thể gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến ba mẹ của mình hoặc tặng cho cha mẹ một món quà đơn giản nhưng ý nghĩa. Đây là cách để bày tỏ cảm xúc của mình với những người mình yêu thương.

Ý nghĩa của nghi thức "Bông hồng cài áo"

Nghi thức Bông Hồng Cài Áo trong dịp lễ Vu Lan - Rằm tháng Bảy Âm lịch, là một nghi thức đặc biệt của Phật Giáo Việt Nam. Càng đặc biệt hơn, nghi thức này do giới Phật tử trẻ tuổi tại miền Nam đưa vào Phật Giáo từ hơn 40 năm về trước. Sau đó không lâu, nó đã trở thành một nghi thức có tính truyền thống trong lễ Vu Lan.

Ý nghĩa của việc cài bông hoa hồng, đã được Hòa thượng Thích Nhất Hạnh giải thích ngay trong ấn phẩm Bồng Hồng Cài Áo.

“Nếu anh còn mẹ, anh sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo và anh sẽ tự hào được còn mẹ. Còn nếu anh mất mẹ, anh sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng. Người được hoa trắng sẽ thấy xót xa, nhớ thương, không quên mẹ dù đã khuất. Người được cài hoa hồng sẽ thấy sung sướng nhớ rằng mình còn mẹ và sẽ cố gắng để làm vui lòng mẹ, kẻo một mai người khuất núi, có khóc than cũng không còn kịp nữa”

Một bông hoa màu hồng trên áo cho những ai đang còn mẹ

Sự tích Vu Lan báo hiếu

Sự tích Vu Lan báo hiếu

Xuất phát từ sự tích về Đại Đức Mục Kiền Liên, một trong hai đại đệ tử của Phật Thích Ca, với lòng đại hiếu đã cứu mẹ của mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ. Vu Lan là ngày lễ hằng năm để tưởng nhớ công ơn cha mẹ và tổ tiên nói chung - cha mẹ của kiếp này và của các kiếp trước.

Theo kinh Vu Lan thì ngày xưa, Mục Kiền Liên đã tu luyện thành công nhiều phép thần thông. Mẹ ông là bà Thanh Đề đã qua đời, ông tưởng nhớ và muốn biết bây giờ mẹ như thế nào nên dùng mắt phép nhìn khắp trời đất để tìm. Thấy mẹ mình, vì gây nhiều nghiệp ác nên phải sanh làm ngạ quỷ, bị đói khát hành hạ khổ sở, ông đã đem cơm xuống tận cõi quỷ để dâng mẹ. Tuy nhiên do đói ăn lâu ngày nên mẹ của ông khi ăn đã dùng một tay che bát cơm của mình đi không cho các cô hồn khác đến tranh cướp, vì vậy khi thức ăn đưa lên miệng đã hóa thành lửa đỏ.

Cũng theo kinh Vu-Lan-bồn, Mục Liên quay về tìm Phật để hỏi cách cứu mẹ, Phật dạy rằng: "Dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ ông đâu. Chỉ có một cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Ngày rằm tháng bảy là ngày thích hợp để cung thỉnh chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó".

Làm theo lời Phật, mẹ của Mục Liên đã được giải thoát. Phật cũng dạy rằng: chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách Vu-Lan-Bồn Pháp này, từ đó ngày lễ Vu Lan ra đời.

Vu Lan nói đầy đủ là Vu Lan Bồn. Bồn là dụng cụ đựng đồ như cái thau mà ngày xưa người ta thường dùng để đựng các vật phẩm dâng cúng chư Tăng trong lễ Trai Tăng để cầu nguyện cho ông bài cha mẹ quá cố, nhờ công đức của tổ tiên mà được giải thoát khỏi khổ đau trong nhân gian hoặc cầu phước - lộc - thọ cho cha mẹ.