Ngày Giỗ tổ Hùng Vương hay Lễ hội Đền Hùng là một ngày lễ của Việt Nam. Đây là ngày hội truyền thống của dân tộc Kinh tưởng nhớ công lao dựng nước của Hùng Vương. Nghi lễ truyền thống được tổ chức hàng năm vào 10 tháng 3 Âm lịch tại Đền Hùng, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ và được người dân Việt Nam trên toàn thế giới kỷ niệm.
Lịch sử ngày Giỗ Tổ Hùng Vương
Theo truyền thuyết thì Lạc Long Quân và Âu Cơ được xem như là các thủy tổ của người Việt, cha mẹ của các Vua Hùng. Thời kỳ Hùng Vương là một giai đoạn rất quan trọng trong lịch sử dân tộc. Chính thời kỳ này đã xây dựng nên một nền tảng của dân tộc Việt Nam, nền tảng văn hóa Việt Nam và truyền thống yêu nước. Trải qua 18 đời vua Hùng với những biến cố lịch sử, những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm đã chứng minh được lòng yêu nước, tinh thần dân tộc đồng lòng của cả dân tộc ta.
Trong Ngọc phả Hùng Vương chép thời Hồng Đức hậu Lê thì từ thời nhà Đinh, nhà Tiền Lê, nhà Lý, nhà Trần rồi đến Hậu Lê vẫn cùng hương khói trong ngôi đền, ở đây nhân dân toàn quốc đều đến lễ bái để tưởng nhớ công lao của Đấng Thánh Tổ xưa. Ngày giỗ Hùng Vương đã được các triều đại phong kiến công nhận là một trong những ngày quốc lễ của Việt Nam. Từ thời xưa, các triều đại quân chủ và phong kiến Việt Nam đã quản lý Đền Hùng theo cách giao thẳng cho dân sở tại trông nom, sửa chữa, cúng bái, làm Giỗ Tổ vào ngày 10 tháng 3 Âm lịch; đổi lại dân địa phương được triều đình miễn cho những khoản thuế ruộng cùng sưu dịch và sung vào lính.
Từ năm 2007, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, ngày 10 tháng Ba Âm lịch mới chính thức được quy định là ngày lễ quốc gia, mọi người đều được nghỉ lễ.
Ngày 6/12/2012, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là một loại hình tín ngưỡng dân gian được lưu truyền lâu đời ở Việt Nam, chủ yếu được thực hiện ở các di tích thờ các nhân vật liên quan đến thời Hùng Vương tiêu biểu như Thần Nông, Vua Hùng, Lạc Long Quân, Âu Cơ, Sơn Tinh, Cao Sơn, Quý Minh.
Ý nghĩa ngày Giỗ tổ Hùng Vương
Ngày giỗ tổ Hùng Vương nhằm đề cao niềm tự hào dân tộc và nhắc nhở chúng ta phải ghi nhớ về bản sắc dân tộc, nguồn cội của tổ tiên. Qua đó mỗi người không ngừng học tập, rèn đức luyện tài để phục vụ cho công cuộc xây dựng đất nước. Có như vậy chúng ta mới xứng đáng với công lao của các thế hệ anh hùng dân tộc, với tổ tiên ta ngày trước.
Giỗ tổ Hùng Vương là dịp để chúng ta nhìn nhận lại những biến cố của đất nước qua các thời kỳ đồng thời đặt ra những nhiệm vụ mới cho quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, phát triển đất nước.Trải qua các thời kỳ thăng trầm khác nhau và để có được thành quả như ngày hôm nay là nhờ công lao vĩ đại của cả một dân tộc anh hùng.
Lễ dâng hương ngày Giỗ tổ Hùng Vương
Trong dân gian Việt Nam có câu lục bát lưu truyền từ xa xưa:
Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba
Dù ai buôn bán gần xa
Nhớ ngày Giỗ Tổ tháng ba mùng mười
Điều này cho thấy từ xa xưa, ngày Giỗ tổ Hùng Vương đã là một ngày lễ rất quan trọng đối với mọi người. Vào ngày này các quan phải mặc phẩm phục lên đền Hùng thay mặt triều đình Huế cúng tế.
Hiện nay, vào ngày Giỗ tổ Hùng Vương hàng năm, người dân từ mọi miền đất nước tập trung tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng để cùng chứng kiến Nghi thức Lễ Dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng.
Đoàn dâng hương gồm các khối nghi thức, đội rước kiệu, lễ vật khởi hành từ sân Trung tâm Lễ hội Đền Hùng qua Nghi môn, Đền Hạ, Đền Trung, lên Đền Thượng. Đi đầu là đội tiêu binh rước cờ Tổ quốc, cờ hội Đền Hùng và vòng hoa mang dòng chữ "Đời đời nhớ ơn các Vua Hùng đã có công dựng nước”
Theo sau là các thiếu nữ và 100 con Lạc, cháu Hồng trong trang phục cổ, tay giương cao cờ hội, thể hiện sức sống mãnh liệt của dòng giống Tiên Rồng cùng đoàn rước kiệu dâng lễ vật hương, hoa, bánh chưng, bánh dày gắn liền với những truyền thuyết về vị hoàng tử Lang Liêu và quan niệm Trời tròn - Đất vuông của cha ông ta.
Các hoạt động ngày Giỗ tổ Hùng Vương
Ngoài lễ dâng hương, vào ngày Giỗ tổ Hùng Vương các hoạt động phong trào được diễn ra như hội thi gói và nấu bánh chưng, bánh dầy dâng lên Vua Hùng. Tổ chức liên hoan hát Xoan thanh, tổ chức triển lãm tư liệu ảnh, hiện vật do đồng bào cả nước cung tiến Đền Hùng.
Ngoài ra, có nhiều hoạt động biểu diễn nghệ thuật của các tỉnh tham gia góp giỗ, các giải thể thao quần chúng như vật dân tộc, bóng chuyền, bắn nỏ truyền thống.
Hát xoan là loại hình dân ca lễ nghi phong tục hát thờ thần, thành hoàng với hình thức nghệ thuật đa yếu tố: có nhạc, hát, múa; thường được biểu diễn vào dịp đầu xuân, phổ biến ở vùng đất tổ Hùng Vương - Phú Thọ, một tỉnh thuộc vùng trung du Việt Nam.