Người Việt Nam theo phong tục quan niệm rằng ngày Tết thì tất cả mọi thứ đều phải thật sớm và mới. Do đó trước ngày Tết khoảng hơn 2 tuần, các gia đình đã sắm sửa cho ngày Tết. Họ thường quét dọn, trang trí nhà cửa, mua hoa, sắm thức ăn... thật chu đáo cho ngày Tết. Ngoài ra, tất cả những vật dụng không cần thiết hoặc bị cho là đem lại điềm gở cũng bị vứt bỏ.

Các phong tục trong ngày Tết Nguyên Đán

Đưa ông Táo về Trời

Công việc sửa soạn cho ngày Tết của người Việt thường bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp, là ngày mà người Việt cúng ông Công ông Táo - Táo quân. Theo quan niệm của người Việt thì ông Táo vừa là thần bếp trong nhà vừa là người ghi chép tất cả những việc làm tốt xấu mà con người đã làm trong năm cũ và báo cáo với Ngọc Hoàng những vấn đề tốt xấu của gia chủ. Ông Táo được cúng vào trưa hoặc chiều ngày 23 tháng Chạp Âm lịch hàng năm.

Theo sự tích ông Táo, cá chép sẽ đưa ông Táo vượt qua Vũ Môn để lên Thiên đình gặp Ngọc Hoàng. Một số gia đình ở nông thôn vẫn còn gìn giữ phong tục dựng cây nêu, trong khi ở thành phố, phong tục này đã bị lãng quên. Theo phong tục, cây nêu được dựng lên để chống lại quỷ dữ và những điềm gở. Cây nêu thường được treo hoặc trang trí thêm những thứ được coi là để dọa ma quỷ như: tỏi, xương rồng, hình nộm và lá dứa.

Xem thêm Phong tục cúng ông Công ông Táo của Việt Nam

Thăm mộ tổ tiên

Từ ngày 23 đến ngày 30 tháng Chạp, con cháu trong gia đình tề tựu đông đủ cùng nhau đi thăm, quét dọn mồ mả tổ tiên và đem theo hương đèn hoa quả để cúng, mời vong linh tổ tiên về ăn Tết với con cháu.

Dọn dẹp và trang trí nhà cửa

Để đón Tết, mọi nhà dọn dẹp, sửa sang và trang hoàng nhà cửa thật đẹp. Tất cả các đồ dùng trong gia đình đều được lau chùi sạch sẽ theo đúng nghĩa năm mới cái gì cũng phải mới. Ngoài ra, tất cả những vật dụng không cần thiết hoặc bị cho là đem lại điềm gở cũng bị vứt bỏ.

Nhiều nhà trang trí thêm cây quất, cành đào, cành mai, câu đối, tranh tết,… làm cho không gian thêm sắc màu, ấm cúng.

Mua sắm tết

Người Việt Nam quan niệm rằng ngày Tết thì tất cả mọi thứ đều phải thật sớm, thật mới và đầy đủ. Do đó trước ngày Tết khoảng hơn 2 tuần, các gia đình đã sắm sửa mọi thứ cho ngày Tết.

Từ khi đón ông bà về trong mấy ngày Tết, nhiều người Việt tin rằng trong nhà sẽ sung túc nếu có gạo đầy hũ, nước đầy lu.

Bàn thờ tổ tiên

Trong gia đình người Việt thường có một bàn thờ tổ tiên, ông bà hay còn gọi ông Vải. Bàn thờ là nơi tưởng nhớ, là thế giới thu nhỏ của người đã khuất. Vào dịp Tết mọi nhà đều dọn dẹp, lau chùi các vật thờ cúng trên bàn thờ, đánh bóng lư đồng,... Cách trang trí và sắp đặt bàn thờ khác nhau tùy theo từng nhà nhưng thường không thể thiếu một mâm trái cây ngũ quả.

Trong phong tục và quan niệm của người Việt Nam, ngày tết thường chưng dưa hấu trên bàn thờ không chỉ là trang trí tết cho đẹp mà còn có ý nghĩa về cầu tài lộc và sự may mắn thịnh vượng cho gia đình. Màu đỏ của ruột dưa hấu tượng trưng cho tài lộc, may mắn, còn vỏ màu xanh là sự hi vọng ẩn chứa niềm vui từ bên trong.

Mâm ngũ quả là một mâm trái cây có 5 thứ trái cây khác nhau, các loại trái cây bày lên thể hiện nguyện ước của gia chủ qua tên gọi, màu sắc và cách sắp xếp của chúng. Chọn 5 thứ quả theo quan niệm người xưa là ngũ hành ứng với mệnh của con người. Chọn số lẻ tượng trưng cho sự phát triển, sinh sôi.
Mâm ngũ quả của người miền Bắc gồm: chuối, bưởi, đào, hồng, quýt hay là chuối, ớt, bưởi, quất, lê. Có thể thay thế bằng cam, lê-ki-ma, táo, mãng cầu. Nói chung, người miền Bắc không có phong tục khắt khe về mâm ngũ quả và hầu như tất cả các loại quả đều có thể bày được, miễn là nhiều màu sắc.
Mâm ngũ quả của người miền Nam không quy định khắt khe phải có những loại trái cây gì, thường thì gồm mãng cầu Xiêm, sung, dừa, đu đủ, xoài với ngụ ý cầu sung vừa đủ xài. Người miền Nam thường kiêng kỵ chưng trái có tên mang ý nghĩa xấu, kể cả khi đọc trại như chuối - chúi nhủi, cam - cam chịu, lê - lê lết, sầu riêng - ưu buồn, bom (táo), lựu - lựu đạn... và không chọn trái có vị đắng, cay.

Tất niên

Ngày Tất niên có thể là ngày 30 tháng Chạp nếu là năm đủ hoặc 29 tháng Chạp nếu là năm thiếu. Tất niên có nghĩa là hoàn tất công việc của năm cũ. Theo phong tục, đến thời điểm Tất niên, mọi người đều thu xếp thanh toán hết nợ nần, xóa bỏ những xích mích trong năm cũ để hướng tới một năm mới thuận hòa hơn. 

Vào chiều 30 Tết, sau khi đã hoàn thành xong mọi công việc, gia đình chuẩn bị một mâm cơm cúng tổ tiên ông bà. Đây là ngày gia đình sum họp lại với nhau để ăn cơm buổi Tất niên.

Nấu bánh chưng - bánh tét

Trước ngày Tết, người Việt ở miền Bắc thường chuẩn bị bánh chưng, bánh dày còn ở miền nam thì loại bánh phổ biến là bánh tét. Một số gia đình bày nấu bánh chưng, bánh tét ngày cuối năm đến tận giao thừa để mọi người có dịp quây quần bên nhau.

Đón giao thừa

Giao thừa là thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, tức là giữa ngày 30 hoặc 29 tháng Chạp và ngày mồng 1 tháng Giêng, giờ Tý - từ 23 giờ hôm trước đến 1 giờ hôm sau, trong đó thời điểm bắt đầu giờ chính Tý - 0 giờ 0 phút 0 giây ngày Mồng 1 tháng Giêng là thời khắc quan trọng nhất của dịp Tết.

Để ghi nhận thời khắc này, người ta thường làm hai mâm cỗ. Một mâm cúng gia tiên tại bàn thờ ở trong nhà mình và một mâm cúng thiên địa ở khoảng sân trước nhà. Một số cộng đồng lấy con hổ là vật thờ thì gọi là cúng Ông Ba Mươi. Một số cộng đồng khác thì có một phần cỗ dành để cúng chúng sinh, cúng những cô hồn lang thang không nơi nương tựa. Cúng Giao thừa là lễ cúng để đem bỏ hết đi những điều xấu của năm cũ sắp qua để đón những điều tốt đẹp của năm mới sắp đến.

Trong thời khắc giao thừa mọi người trong gia đình thường dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất.

Trước đây mọi người thường có tục lệ đốt pháo vào thời khắc giao thừa để đón chào năm mới. Tuy nhiên, do có nhiều người lạm dụng đốt pháo bừa bãi gây nhiều tác hại nên việc đốt pháo đã bị cấm tại Việt Nam. Hiện nay người ta thường bắn pháo hoa ở những trung tâm thành phố lớn để chào mừng năm mới.

Xuất hành đầu năm

Xuất hành là ra đi, ra khỏi cổng, đi khỏi đất làng xã mình ở, bất cứ đi đâu, đi có việc gì. Đầu năm, người ta thường kén ngày giờ xuất hành tốt và hướng đi nào có lợi với mục đích cầu mong sự may mắn quanh năm.

Nhiều người sẽ đi lễ chùa đầu năm để cầu mong cho gia đình được bình an và làm ăn phát tài...

Người Việt còn có tục trong ba ngày Tết, dù có đi đâu, đến chiều tối cũng phải về. Ý nghĩa của tục này là kiêng có đi mà không có về, giông cho cả gia đình.

Hái lộc đầu năm

Người Việt có tục hái lộc, khi đi lễ đêm 30 Tết trở về, họ hái một cành cây, hoa gọi là lộc đem về cài vào cửa hoặc cắm vào bình hương bàn thờ để có ý xin lộc của Trời, Phật, Thần, Thánh ban cho.

Có nhiều người trong lúc xuất hành đi lễ, thay vì hái cành lộc, họ xin lộc bằng cách đốt một nén hương sào hoặc một bó hương nhỏ, đứng khấn vái trước bàn thờ. Sau họ mang hương đó về cắm tại bàn thờ gia tiên hoặc bàn thờ Thổ công.

Cành lộc thường là cành đa, đề, si trước các đình, đền, chùa, miếu. Những cây này thuộc loại cây sống lâu nên người ta mong lộc của Trời, Phật, Thần, Thánh ban cho sẽ được bền lâu như vậy.

Tục xông nhà

Theo phong tục, người xông nhà là người đầu tiên đến nhà sau Giao thừa. Người ta tin rằng, người xông nhà đầu năm sẽ ảnh hưởng đến tương lai của chủ nhà trong cả năm mới, tuổi tác người xông nhà cũng khá quan trọng. Vì thế, ngay từ trước Tết chủ nhà thường hẹn người quen biết, đẹp người đẹp nết, hợp tuổi để đến xông nhà cho nhà mình.

Phong tục chúc tết - mừng tuổi

Chúc tết hay mừng tuổi là những phong tục từ lâu đời để mong muốn những điều tốt lành nhất sẽ đến với mọi người. Theo lệ, thường thì vào mùng 1 con cái chúc tết ông bà, cha mẹ. Ông bà, cha mẹ cũng chúc lại con cháu bằng một phong lì xì có tiền đi kèm. Tiền lì xì thường là những tờ tiền còn mới, vì người ta quan niệm rằng, năm mới cái gì cũng phải mới mẻ thì một năm sẽ gặp được nhiều điều may mắn đến.

Trong những ngày đầu năm, thường thì từ ngày mùng 1 đến ngày mùng 3, mọi người đi thăm họ hàng, thầy cô, bạn bè để chúc những điều tốt đẹp nhất cho một năm mới đến.

Xem thêm Các lễ cúng trong ngày Tết Nguyên Đán