Rạn da là gì?

Rạn da thường xảy ra do tăng cân quá mức trong một thời gian ngắn, khiến da không kịp phát triển để thích nghi. Mô liên kết dưới da, được tạo bởi các sợi Collagen và Elastin, giúp da đàn hồi, bị căng giãn quá mức rồi đứt gãy, tạo thành các vết lõm dài, nhiều nhánh trông như rễ cây. Lúc đầu, các vết rạn có màu đỏ, tía, có thể kèm theo ngứa râm ran. Về sau, chúng sẽ nhạt màu dần. Các vùng da dễ bị tổn thương này là đùi, bụng, bẹn, hông...

Rạn da thường xảy ra do tăng cân quá mức trong một thời gian ngắn

Nguyên nhân gây rạn da

Do mang thai

Ở phụ nữ mang thai, tình trạng rạn da thường xảy ra lúc 6 - 7 tháng, nhưng cũng có thể xuất hiện từ tháng thứ tư. Khi mang thai, da vùng bụng và mông của người phụ nữ thường tăng quá nhanh khiến da không kịp dãn ra.

Do béo phì

Do trọng lượng cơ thể bị tăng quá nhiều nên kích thước cũng phát triển nhanh. Rạn da thường xuất hiện ở bụng và đùi, tuy nhiên nó cũng có thể xuất hiện ở những vùng da khác. 

Do tăng cân quá nhanh

Ở tuổi dậy thì, sự thay đổi hoóc môn thời kỳ này làm giảm khả năng đàn hồi của da, nếu tăng cân quá nhanh thì sẽ dễ bị rạn da. Ở nam giới, rạn da thường xuất hiện ở mặt ngoài của đùi và vùng thắt lưng; đối với nữ, rạn da xuất hiện ở đùi, mông và ngực.

Do dử dụng thuốc hoặc hoá chất

Các vết rạn da có thể xuất hiện khi quá trình sản xuất Collagen bị gián đoạn do cơ thể hấp thụ một số loại thuốc hoặc hoá chất. Chúng có thể ngăn chặn sự sản xuất Collagen, gây ra các vết rạn da. Bên cạnh đó, khi bạn dùng kem dưỡng da hoặc bôi các loại thuốc có chứa hóa chất trong thời gian dài cũng là nguyên nhân gây nên các vết rạn. Việc bôi lâu ngày các loại thuốc chứa Corticoid cũng có thể khiến da bị rạn, nhưng chỉ ở vùng có thuốc tác động.

Rạn da không thể chữa khỏi hoàn toàn

Rạn da không thể chữa khỏi hoàn toàn mà chỉ có thể làm mờ thôi

Rạn da tuy không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng lại làm giảm vẻ đẹp của chị em. Nhiều người bị nặng phải chia tay với Bikini và các kiểu quần áo gợi cảm. Chính vì vậy, các cơ sở thẩm mỹ giới thiệu khá nhiều dịch vụ chữa trị, từ Massage, thoa kem đến siêu mài mòn, chiếu ánh sáng... với chi phí có thể lên đến hàng chục triệu đồng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hiệu quả điều trị cực kỳ hạn chế.

Theo các chuyên gia về da liễu cho biết nếu được điều trị sớm, việc bôi một số loại thuốc sẽ giúp các vết rạn có vẻ mờ đi, khó nhìn thấy hơn nhờ tác động vào các sắc tố và cấu trúc da. Nhưng nếu vết rạn đã cũ hoặc quá sâu, rộng thì thuốc rất ít hiệu quả.

Một khi các mô liên kết của da đã bị đứt gãy thì không có cách nào làm nó liền lại được. Vì vậy, việc chữa khỏi rạn da là không thể, dù là bằng kem hay chiếu năng lượng ánh sáng.

Việc áp dụng kỹ thuật siêu mài mòn cũng không mấy hiệu quả trong việc xóa vết rạn, bởi các sợi đàn hồi của da nằm ở lớp trung bì, trong khi việc mài da chỉ có thể tác động vào lớp thượng bì. Đó là chưa kể sự mài cơ học có thể gây thâm nám do làm tổn thương lớp tế bào đáy ở cuối lớp thượng bì.

Cách duy nhất để các vết rạn hoàn toàn biến mất là cắt bỏ vùng da đó, thường áp dụng cho trường hợp thừa da, thừa mỡ quá nhiều ở bụng. Các bác sĩ sẽ tạo hình thành bụng và kết hợp cắt bỏ da, mỡ thừa. Vùng da rạn ở hông, đùi cũng có thể loại bỏ theo cách này.

Phòng tránh rạn da

Để phòng tránh rạn da, các bác sĩ khuyên nên kiểm soát cân nặng, tránh để lên cân quá nhanh. Nếu đang có xu hướng béo nhanh hoặc mang bầu, nên bôi các loại kem phòng rạn để hạn chế phần nào nguy cơ. Tuy nhiên, nếu da không khỏe, đàn hồi kém và bị kéo giãn nhiều hoặc nhanh thì loại kem này cũng không mấy hiệu quả.