Ngày Rằm tháng Tư âm lịch là ngày lịch sử trọng đại của Phật giáo, đây là ngày kỷ niệm một lúc ba sự kiện - Tam hợp, đó là ngày ra đời, ngày thành đạo và ngày nhập Niết bàn của Đức Phật.

Ngày Rằm tháng Tư – Lễ Phật Đản
Ngày Rằm tháng Tư – Lễ Phật Đản

Lịch sử ngày Lễ Phật Đản – Đại Lễ Vesak

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni xuất thân là Thái tử Tất Đạt Đa, dòng họ Cồ Đàm, vương tộc Thích Ca. Ngài được cho là sinh vào ngày rằm tháng tư âm lịch năm 624 trước Tây lịch - theo lý giải của Phật giáo phái Nam tông, ngày mùng 8 tháng 4 âm lịch - theo lý giải của Phật giáo phái theo Bắc tông, tại vườn Lâm Tỳ Ni - nơi nằm giữa Ca Tỳ La Vệ và Devadaha ở Nepal.

Chính vì thế, lễ Phật Đản được tổ chức hàng năm, vào ngày rằm tháng tư, ở các nước theo đạo Phật là để kỷ niệm ngày Đức Phật ra đời.

Vào ngày 15 tháng 12 năm 1999, tại hội nghị lần thứ 54 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, sau khi thảo luận về chương trình nghị sự mục 174 của chương trình, Đại hội đã chính thức công nhận và thừa nhận lễ kỷ niệm ngày Vesak - Lễ tam hợp: ngày ra đời, ngày thành đạo và ngày nhập Niết bàn của Đức Phật, thời gian tương đương là ngày Trăng tròn của tháng Năm Âm lịch. Ngày này được gọi là Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc nhằm chào mừng lễ hội văn hóa Phật giáo lớn nhất hàng năm. Lễ kỷ niệm sẽ được tổ chức tại Trụ sở Liên Hiệp Quốc - thành phố New York của nước Mỹ và các Văn phòng khu vực của nó toàn thế giới từ năm 2000 trở đi.

Vào năm 2000, lần đầu tiên ngày Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc được long trọng tổ chức tại Trụ sở Liên Hiệp Quốc, New York, với đại diện từ nhiều truyền thống Phật giáo tại 34 quốc gia.

Đại lễ Vesak 2019 tai Việt Nam
Đại lễ Vesak 2019 tai Việt Nam

Ý nghĩa ngày Lễ Phật Đản

Phật Đản là ngày nghỉ lễ quốc gia tại nhiều nước châu Á như Thái Lan, Nepal, Sri Lanka, Malaysia, Miến Điện, Singapore, Indonesia, Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Campuchia,... Tại Việt Nam, ngày này không phải là ngày nghỉ lễ được công nhận chính thức.

Vào ngày Lễ Phật Đản, Phật tử thường vinh danh Tam bảo: Phật, Pháp, Tăng qua các hình thức như dâng cúng, tặng hoa, đến nghe thuyết giảng, thực hành ăn chay và giữ Ngũ giới, Tứ vô lượng tâm - Từ Bi Hỷ Xả, thực hành bố thí và làm việc từ thiện, tặng quà, tiền cho những người yếu kém trong cộng đồng. Kỷ niệm Vesākha cũng có nghĩa là làm những nỗ lực đặc biệt để mang lại hạnh phúc, niềm vui cho những người bất hạnh như người già cao niên, người khuyết tật và người bệnh, chia sẻ niềm vui và hòa bình với mọi người.

Các hoạt động ngày Lễ Phật Đản

Nghi lễ quan trọng nhất trong Lễ Phật Đản là tắm Phật bằng nước và hoa
Nghi lễ quan trọng nhất trong Lễ Phật Đản là tắm Phật bằng nước và hoa

Ở Việt Nam, lễ Phật Đản luôn được tổ chức trang trọng. Ngoài việc tổ chức buổi lễ chính vào ngày rằm tháng 4, Giáo hội các tỉnh thành còn tổ chức diễu hành, làm lễ, thả hoa đăng trên sông, tổ chức thuyết giảng về Phật pháp xen kẽ các buổi văn nghệ, đèn lồng, làm lễ đài tổ chức,...

Tại các chùa, Phật tử thường dựng lên lễ đài lớn, trang trí các xe hoa. Tuy nhiên, tất cả những việc này đều được thực hiện sao cho không gây tốn kém nhiều, không phung phí, tất cả được thể hiện bằng tấm lòng thành vốn là đạo lý nhà Phật.

Vào ngày Phật Đản, các Phật tử không sát sinh, mọi người đều ăn chay, lau dọn vệ sinh nhà cửa và trang trí bàn thờ Phật thật đẹp. Các Phật tử có thể đến chùa để phụ giúp làm công quả, nghe các bài thuyết giảng về cuộc sống, tự chiêm nghiệm về hành động của bản thân để làm cho tâm hồn được thanh tịnh.

Phật tử ở khắp nơi trên thế giới cùng tưởng nhớ công đức của Đức Phật bằng cách tập trung tại các ngôi chùa địa phương, tụng kinh, dâng lễ vật và phóng sinh. Trong đó, nghi lễ quan trọng nhất trong Lễ Phật Đản là tắm Phật bằng nước và hoa. Với những nét riêng biệt trong tập tục và văn hóa địa phương, các quốc gia ở châu Á thường tổ chức Vesak theo nghi thức, lễ hội và thời gian khác nhau.

Phản hồi bài viết

Gửi ý kiến đóng góp hoặc thắc mắc của
bạn về bài viết này!

Xin vui lòng nhập chính xác địa chỉ Email của bạn để nhận được thư trả lời.