Tên miền thường được hiểu là tên hoặc địa chỉ của một trang web. Bạn có thể chọn bất cứ tên miền nào cho trang web của bạn, tuy nhiên lựa chọn tên miền hay sẽ giúp cho nhiều người dễ nhớ tới trang web của bạn.

Tên miền là gì và cách lựa chọn tên miền cho trang web của bạn
Tên miền là gì và cách lựa chọn tên miền cho trang web của bạn

Tên miền là gì

Tên miền - Domain Name là một địa chỉ truy cập tới các trang web trên internet.  Tên miền là một địa chỉ Internet duy nhất và không trùng lắp. Tên miền thường bao gồm tên miền chính và tên miền cấp cao nhất thường được gọi là phần mở rộng.

Mục đích chính của tên miền là để cung cấp một hình thức đại diện, hay nói cách khác là dùng những tên dễ nhận biết để thay cho những tài nguyên Internet mà đa số được đánh dấu địa chỉ bằng số, gọi là địa chỉ IP. Việc dịch từ tên miền sang địa chỉ IP và ngược lại do hệ thống phân giải tên miền - DNS trên toàn cầu thực hiện.

Tên miền và địa chỉ trang web

Khi muốn truy cập vào một trang web bạn có thể nhập đầy đủ địa chỉ của trang web hoặc chỉ cần nhập tên miền của trang web. Chẳng hạn, tên miền của trang web BuaXua là buaxua.vn và địa chỉ đầy đủ của trang web BuaXua là https://www.buaxua.vn

Địa chỉ tên miền bao gồm

http:// là giao thức kết nối giữa trình duyệt hoặc ứng dụng web của bạn với máy chủ chứa trang web. Giao thức là một cách truyền dữ liệu trên internet. Cụ thể, giao thức truyền tải siêu văn bản HTTP - Hypertext Transfer Protocol là giao thức tiêu chuẩn cho mạng toàn cầu - World Wide Web dùng để truyền tải dữ liệu dưới dạng văn bản, âm thanh, hình ảnh, video từ máy chủ Web tới trình duyệt web của người dùng và ngược lại.

https:// là giao thức truyền siêu văn bản bảo mật - Hypertext Transfer Protocol Secure. Đây là một mở rộng của giao thức truyền siêu văn bản - http.  Nó được sử dụng để kết nối an toàn qua mạng máy tính và hiện được sử dụng rộng rãi trên Internet.

Subdomain hay Sub-Domain là tên miền phụ. Bất kỳ tổ hợp ký tự nào ở bên trái dấu chấm trong tên miền là một tên miền phụ hay tên miền con. Mỗi một Subdomain có thể được sử dụng làm địa chỉ truy cập tới một Website riêng biệt hoặc một trang web nào đó trong một Website. Subdomain có thể được tạo thêm tuỳ ý và không có giới hạn. Thí dụ bạn có tên miền buaxua.vn và bạn có thể tạo thêm một Subdomain có tên là forum.buaxua.vn để truy cập vào diễn đàn của bạn. 

www cũng là một Subdomain, tuy nhiên nó thường được sử dụng như là một tiền tố cho biết đây là địa chỉ truy cập vào một trang web - www (World Wide Web), dùng để phân biệt với mail, smtp, pop, ftp,… khi kết nối tới các máy chủ dịch vụ khác trên internet.

Hiện nay địa chỉ trang web không bắt buộc phải có www và việc có nó hay không trong địa chỉ của trang web là do người quản trị web thiết lập. Trong đa số trường hợp bạn không cần quan tâm đến www vì nó sẽ được tự động thêm vào địa chỉ của trang web khi cần thiết. 

Domain Name là tên miền, được đặt trong giới hạn từ 3 tới 63 ký tự bao gồm các chữ cái a-z, số từ 0 - 9 và dấu gạch ngang. Domain name được gọi là tên miền cấp 2 - Second Level Domain - SLD hoặc 2LD.

.TLD là tên miền cấp cao - Top Level Domains - TLD, được phân cách với tên miền bởi dấu chấm. Tên miền cấp cao có 2 loại là tên miền cấp cao dùng chung - generic Top Level Domains - gTLD, hay thường gọi là tên miền quốc tế, như .com .net .org .info… và tên miền quốc gia - country code Top Level Domains - ccTLD như .vn .fr .us .jp .kr

Một số quốc gia có tên miền cấp 2 bao gồm tên miền dùng chung và tên miền quốc gia. Thí dụ như tên miền cấp 2 của Việt Nam có dạng domain-name.com.vn domain-name.org.vn domain-name.gov.vn

Sự kết hợp của tên miền - Domain Name và tên miền cấp cao TLD được gọi là tên miền gốc - Root Domain.

Ai quản lý tên miền

Tên miền quốc tế và tên miền quốc gia cấp 1 do tổ chức ICANN - Internet Corporation for Assigned Names and Numbers quản lý. ICANN phát triển và quốc tế hóa hệ thống tên miền cấp cao, cấp phát địa chỉ IP, đảm bảo sự ổn định của internet...

Tên miền quốc gia cấp thấp hơn do cơ quan quản lý tên miền của từng nước quản lý. Chẳng hạn, ở Việt Nam, tên miền Việt Nam do cơ quan quản lý tên miền quốc gia VNNIC quản lý.

Sau khi bạn đăng ký tên miền thì bạn là người có toàn quyền sở hữu tên miền.

Cách lựa chọn tên miền cho trang web của bạn

Tùy theo nhu cầu sử dụng hoặc, ý thích hoặc chiến lược kinh doanh của bạn mà tên miền thường được lựa chọn theo các cách sau:

  1. Chọn tên miền gắn liền với thương hiệu và sản phẩm của bạn.
  2. Chọn tên miền ngắn hoặc có một ý nghĩa nào đó cho dễ nhớ.
  3. Chọn tên miền có các từ khóa để giúp tối ưu hóa công cụ tìm kiếm - SEO
  4. Chọn tên miền theo ý thích của bạn.

Có rất nhiều tên miền cấp cao thường gọi là đuôi, cho bạn lựa chọn. Bạn có thể chọn tùy vào mục đích sử dụng hoặc chỉ đơn giản là theo ý thích của riêng bạn. Tên miền cấp cao .com thường được ưu tiên chọn vì nó thông dụng trong khi các tên miền cấp cao khác như .gov dành cho các trang web của chính phủ hoặc .org dành cho trang web của các tổ chức,… Ngoài ra các tên miền cấp cao quốc gia cũng được chọn để cho biết quốc gia hoặc ngôn ngữ chính của trang web. Chẳng hạn như trang web buaxua.vn sử dụng tên miền cấp cao .vn đây là tên miền quốc gia của Việt Nam. Bạn cũng có thể chọn tên miền cấp 2 của Việt Nam như ten-mien.com.vn

Phản hồi bài viết

Gửi ý kiến đóng góp hoặc thắc mắc của
bạn về bài viết này!

Xin vui lòng nhập chính xác địa chỉ Email của bạn để nhận được thư trả lời.