Bạn cần biết khi sử dụng máy lạnh nếu chỉ bật máy lên và chỉnh nhiệt độ tùy ý là được thì thật là sai lầm. Cách làm của hơn 90% người sử dụng máy lạnh sẽ làm giảm tuổi thọ của máy lạnh và tốn thêm tiền điện mà thôi. Bạn sẽ biết mình có nằm trong số những người này không sau khi biết được những điều lưu ý này.

Những điều cần biết khi sử dụng máy lạnh
Những điều cần biết khi sử dụng máy lạnh

1

Máy lạnh là gì

Máy lạnh là tên gọi tắt của phiên bản rút gọn chức năng của máy điều hòa không khí - Air Conditioner, là một thiết bị giúp ổn định nhiệt độ của không khí, đem lại sự dễ chịu và thoải mái cho chúng ta. Trong khi máy điều hòa có có hai chức năng là làm lạnh và làm nóng không khí thì máy lạnh chỉ có một chức năng là làm lạnh mà thôi.

Người ta thường gọi máy lạnh một chiều hoặc chỉ đơn giản là máy lạnh để phân biệt với máy lạnh hai chiều - máy điều hòa không khí.

Xem hướng dẫn Cách chọn mua máy điều hòa

2

Nguyên lý hoạt động của máy lạnh

Nguyên lý hoạt động của máy lạnh
Nguyên lý hoạt động của máy lạnh

Cũng như các thiết bị điện máy khác, để biết cách sử dụng máy lạnh đúng thì bạn cần phải tìm hiểu nguyên lý hoạt động của nó. Trong bài này chúng ta sẽ nói đến máy lạnh loại hai dàn hay thường được gọi là hai cục, loại máy lạnh được sử dụng trong nhà nhiều nhất hiện nay.

Máy lạnh loại hai dàn sẽ có thiết kế hai khối riêng biệt. Khối dàn lạnh - bộ phận tạo hơi lạnh được lắp trong phòng và khối dàn nóng - bộ phận máy nén khí được lắp đặt bên ngoài. Ngoài ra còn có hệ thống đường ống đồng và dây điện kết nối giữa dàn lạnh và dàn nóng. Máy lạnh được điều khiển bằng bộ điều khiển từ xa - Remote Control.

Thông thường khi được cấp điện, máy lạnh sẽ ở trang thái chờ - Stanby. Khi bạn bấm nút Bật/Tắt - On/Off trên bộ điều khiển từ xa để bật máy lạnh thì dàn lạnh sẽ hoạt động trước, nó sẽ kiểm tra các thiết lập và nhiệt độ được ghi nhận từ bộ điều khiển. Nếu  nhiệt độ trong phòng cao hơn mức mà bạn đã chọn thì dàn nóng sẽ được kích hoạt và máy nén khí sẽ hoạt động. Quạt trong dàn nóng sẽ quay để giải nhiệt cho dàn nóng.

Bộ phận tản nhiệt của dàn lạnh sẽ được làm lạnh, quạt trong dàn lạnh sẽ hút không khí nóng trong phòng đưa qua bộ phận tản nhiệt để làm lạnh không khí rồi thổi trở lại ra bên ngoài. Không khí lạnh sẽ được tản đều trong phòng nhờ các lá chỉnh hướng và bộ phận đảo gió. Lúc này máy lạnh đang ở trạng thái Hoạt động công suất cao, tiêu hao nhiều điện năng.

Khi nhiệt độ trong phòng giảm xuống bằng với mức nhiệt độ mà bạn đã chọn thì máy nén khí ở dàn nóng sẽ ngưng hoạt động. Lúc này âm thanh phát ra từ dàn nóng sẽ giảm xuống vì chỉ còn tiếng của quạt giải nhiệt quay. Máy lạnh hay nói đúng hơn là máy nén khí sẽ chuyển sang trạng thái Nghỉ, công suất hoạt động giảm và tiêu hao ít điện năng hơn. Quạt và các chức năng khác của dàn lạnh vẫn hoạt động.

Tiếp theo, do ảnh hưởng của môi trường xung quanh, sau một khoảng thời gian nhiệt độ trong phòng sẽ tăng dần lên. Thiết bị cảm biến nhiệt độ trong dàn lạnh sẽ nhận biết được sự thay đổi này và ra lệnh cho máy nén khí hoạt động trở lại, tiếp tục chu kỳ Hoạt động - Nghỉ của máy lạnh.

Ngoài ra, trong quá trình hoạt động, tại dàn lạnh sẽ xảy ra hiện tượng trao đổi nhiệt giữa không khí nóng và bộ phận tản nhiệt lạnh, làm cho nhiệt độ không khí trong dàn lạnh xuống thấp, tạo hiện tượng đọng sương - ngưng tụ. Nước ngưng tụ được dẫn vào ống và thoát ra ngoài.

3

Những lưu ý khi sử dụng máy lạnh

Xem hướng dẫn Cách sử dụng máy điều hòa không khí

Chọn đúng nhiệt độ phù hợp cho máy lạnh
Chọn đúng nhiệt độ phù hợp cho máy lạnh

Chọn đúng nhiệt độ phù hợp

Nhiều người nghĩ là khi mới bật máy lạnh thì chỉnh nhiệt độ xuống thật là thấp để cho mau lạnh rồi sau đó mới tăng lên trở lại bình thường. Điều này là sai lầm, cho dù bạn có chỉnh nhiệt độ thấp bao nhiêu thì máy lạnh cũng vẫn hoạt động bình thường và nhiệt độ cũng giảm xuống từ từ. Làm như vậy nhiệt độ sẽ không giảm nhanh hơn mà chỉ có hao điện hơn mà thôi.

Sử dụng chế độ làm lạnh nhanh

Dĩ nhiên là lúc nào bạn cũng có muốn có được một không gian mát lạnh, sảng khoái ngay sau khi vừa đi ngoài trời nắng nóng vào nhà. Nếu vậy thì bạn hãy trang bị các máy lạnh có chế độ làm lạnh nhanh.

Khi bạn nhấn nút chọn chế độ làm lạnh nhanh trên bộ điều khiển, máy lạnh sẽ hoạt động ở mức công suất cao nhất, quạt gió sẽ thổi mạnh để nhanh chóng giảm nhiệt độ xuống. Khi nhiệt độ giảm xuống mức qui định thì máy lạnh sẽ tự động chuyển sang chế độ bình thường hay chế độ tự động.

Mỗi nhà sản xuất sẽ có công nghệ làm lạnh nhanh với các tên gọi khác nhau như Turbo, Fast Cooling, Powerful,..., tuy nhiên cái giá phải trả là điện năng tiêu thụ cũng sẽ tăng nếu bạn thường xuyên sử dụng chế độ này.

Sử dụng chế độ khử ẩm của máy lạnh

Dry là một chế độ được sử dụng trong những ngày mưa khi độ ẩm rất cao, chế độ này giúp làm khô không khí ẩm và giữ cho không khí trong phòng luôn mát mẻ và khô ráo.

Máy lạnh ở chế độ Dry hoạt động như một máy hút ẩm bằng cách loại bỏ độ ẩm từ không khí trong nhà. Không khí khô làm cho bạn cảm thấy dễ chịu hơn trong khí hậu ẩm ướt.

Thông thường khi sử dụng máy lạnh liên tục trong một thời gian dài thì bạn nên chuyển máy lạnh sang chế độ khử ẩm vài tiếng. Chế độ này nên được sử dụng thường vào mùa mưa hoặc khi trong phòng có mùi ẩm mốc.

Để tối đa hóa khả năng hút ẩm trong quá trình vận hành chế độ Dry, máy lạnh có thể hoạt động ở nhiệt độ thấp hoặc cao hơn nhiệt độ cài đặt từ bộ điều khiển từ xa.

Bạn không nên lạm dụng chế độ khử ẩm - Dry của máy lạnh. Sử dụng chế độ này một thời gian dài sẽ làm cho không khí quá khô, sẽ ảnh hưởng không tốt với sức khỏe hô hấp của bạn.

Máy lạnh không tạo ra Oxy

Máy lạnh khi hoạt động tạo ra luồng gió mát lạnh làm cho bạn cảm thấy dễ thở hơn nên cứ ngỡ là máy lạnh tạo ra Oxy. Nhưng thực chất máy lạnh chỉ làm lạnh không khí cũ trong phòng mà thôi trừ khi máy lạnh của bạn có chức năng lấy không khí từ bên ngoài vào.   

Như vậy việc sử dụng máy lạnh trong một thời gian dài là không tốt vì càng sử dụng lâu thì lượng Oxy trong không khí sẽ giảm xuống và đồng thời lượng khí CO2 sẽ tăng lên.

Vì vậy thỉnh thoảng bạn phải mở cửa phòng hoặc dùng quạt hút gió để làm cho không khí trong phòng được thông thoáng.

Không khí thổi ra từ máy lạnh có sạch không

Trái với vẻ bên ngoài bóng loáng, máy lạnh khong phải là một thiết bị sạch sẽ như bạn nghĩ đâu. Bạn sẽ biết rõ điều này khi mở mặt nạ che phía trước của dàn lạnh. Bạn sẽ nhìn thấy bụi bám đầy khắp nơi, trên các lá tản nhiệt, các lá dẫn hướng, quạt,... và đây cũng cính là nơi trú ngụ và phát triển của nấm mốc và vi khuẩn.

Một số máy lạnh có trang bị công nghệ tạo Ion hay bộ lọc Nano giúp làm sạch không khí. Các Ion âm có khả năng bắt giữ, vô hiệu hóa hoạt động của vi khuẩn, virus, nấm mốc gây mùi khó chịu. Bộ lọc Nano sẽ loại bỏ bụi bẩn giúp vô hiệu hóa vi sinh vật bám dính và khử mùi hôi.

Tuy nhiên bạn cũng cần lưu ý vệ sinh máy lạnh định kỳ khoảng 6 tháng một lần tùy theo mức độ sử dụng của bạn.

Nước thảy ra từ máy lạnh có sạch không

Thông thường khi sử dụng máy lạnh từ lúc đi ngủ đến sáng thì thì bạn có thể hứng được khoảng 5 lít nước thảy ra từ máy lạnh. Nước này được ngưng tụ nên ban đầu là nước sạch cũng giống như nước mưa vậy. Nhưng do nước được dẫn qua các bộ phận của máy lạnh, mà các bộ phận này thường bị bám bụi, rất dơ nên nước thảy ra từ máy lạnh cũng bị nhiễm bẩn và có thể chứa vi khuẩn. Bạn có thể sử dụng nước này vào bất cứ việc gì thích hợp nhưng không thể uống được.

4

Tại sao tháng này tiền điện tăng quá cao

Rất nhiều người thắc mắc là tại sao tháng này tiền điện lại tăng cao hơn các tháng trước nhiều quá mặc dù vẫn sử dụng các thiết bị điện như bình thường.

Một trong những nguyên nhân làm cho tiền điện tăng là do máy lạnh. Như đã nói bên trên, nguyên lý hoạt động của máy lạnh là không hoạt động liên tục mà theo chu kỳ Hoạt động - Nghỉ. Do ảnh hưởng của môi trường xung quanh nên vào mùa khí hậu mát mẻ, chu kỳ Nghỉ của máy lạnh sẽ kéo dài hơn chu kỳ Hoạt động nên máy lạnh tiêu tốn ít điện năng hơn. Ngược lại vào mùa nắng nóng, chu kỳ Hoạt động của máy lạnh sẽ kéo dài hơn chu kỳ Nghỉ nên máy lạnh tiêu tốn nhiều điện năng hơn.

5

Cách sử dụng máy lạnh hiệu quả và ít hao điện

  • Lựa chọn máy lạnh có kiểu dáng và công suất phù hợp với diện tích phòng để tối ưu hiệu quả sử dụng.
  • Chọn máy lạnh có trang bị công nghệ Inverter để giúp tiết kiệm lên tới 50% điện năng tiêu thụ.
  • Lắp đặt máy lạnh sao cho khoảng cách giữa dàn lạnh và dàn nóng ngắn nhất để tranh tổn thất nhiệt.
  • Chọn vị trí đặt dàn lạnh và chỉnh các cánh hướng gió sao cho không khí lạnh có thể tỏa đều khắp phòng, không tập trung vào một góc.
  • Sử dụng máy lạnh đúng cách và chọn nhiệt độ thích hợp. Nhiệt độ trong nhà nên khoảng từ 25ºC - 28ºC. Chỉ cần một chút thay đổi nhỏ nhiệt độ cũng làm gia tăng điện năng tiêu thụ.
  • Không để máy lạnh chạy liên tục 24/24 giờ. Bật máy lạnh liên tục cả ngày sẽ gây hại cho sức khỏe của bạn vì không khí không được lưu thông cũng như làm tăng độ ẩm trong phòng.
  • Sử dụng chế độ hẹn giờ của máy lạnh để lựa chọn thời gian tắt, nhất là vào ban đêm. Hẹn giờ sẽ đảm bảo bạn vừa có giấc ngủ ngon và không bị lạnh về đêm mà còn có thể tiết kiệm điện rất hiệu quả.
  • Không Bật/Tắt máy lạnh thường xuyên. Máy lạnh có chức năng tự nghỉ nên bạn không cần phải làm như vậy. Việc Bật/Tắt liên tục cũng sẽ làm cho máy lạnh giảm độ bền. Bạn nên tắt máy lạnh trước khi định ra ngoài khoảng 30 phút là hợp lý.
  • Không để không khí lạnh thoát ra ngoài. Việc này sẽ làm cho máy lạnh phải hoạt động liên tục dẫn đến tiêu hao nhiều điện năng và làm giảm tuổi thọ của máy.
  • Lắp rèm cửa để giúp ngăn chặn ánh nắng chiếu trực tiếp vào phòng, đồng thời cũng ngăn cách cửa sổ tránh không khí trong nhà thất thoát ra ngoài.
  • Cúp cầu dao điện của máy lạnh. Khi tắt máy lạnh sẽ không tắt hẵn mà chuyển sang trang thái chờ. Do đó nếu không sử dụng máy lạnh trong một thời gian dài thì bạn hãy cúp cầu dao cấp điện cho máy lạnh, sẽ giúp tiết kiệm điện và tranh nguy cơ chạm chập gây cháy.

Xem hướng dẫn cách Tự làm vệ sinh máy lạnh tại nhà một cách dễ dàng

Phản hồi bài viết

Gửi ý kiến đóng góp hoặc thắc mắc của
bạn về bài viết này!

Xin vui lòng nhập chính xác địa chỉ Email của bạn để nhận được thư trả lời.