Các loại hạt có thể đâm chồi và mọc thành cây trong lỗ tai

Nếu nghi ngờ có hạt bắn vào lỗ tai thì nên đi khám
Nếu nghi ngờ có hạt bắn vào lỗ tai thì nên đi khám

Một cô gái tai phải bị chảy nước, nghe kém và có một vật thể lạ lấp ống tai, lòi hẳn ra ngoài. Phần bên ngoài đã được cắt ở bệnh viện tuyến dưới, khi cắt không gây đau hay chảy máu, và sau ít ngày lại phát triển như cũ.

Bác sĩ hút sạch dịch trong ống tai phải, thấy có hai mảnh dẹt dài màu xanh nhạt, kẹp vào không đau. Sau khi cho bệnh nhân dùng thuốc giảm đau rồi dùng kẹp lấy vật lạ ra dễ dàng. Vật lạ này là một cây lúa tý hon có thân dài hơn 1 cm, hai lá nhỏ cuộn trong ống tai, lá to đã bị cắt một phần ngọn, dưới còn nguyên một hạt thóc nứt vỏ và vài rễ trắng. Màng nhĩ bệnh nhân bị thủng rộng.

Cô gái kể có lần đang tuốt lúa thì thấy đau nhói, ù tai nên nghi có hạt thóc bắn vào, sau vài hôm không thấy khó chịu gì nên cũng thôi để ý. Một thời gian sau, tai phải bị chảy nước, rồi nghe kém, vật lạ xuất hiện.

Trong tai, các loại hạt có thể đâm chồi, mọc thành cây, gây hại cho thính lực. Vì vậy các bác sĩ khuyến cáo nếu nghi ngờ có hạt bắn vào thì nên đi khám.

Động vật cũng hay chui vào lỗ tai

Động vật cũng hay chui vào lỗ tai
Động vật cũng hay chui vào lỗ tai

Trong khi đi du lịch, cắm trại,... phải nằm nghỉ ở lều, quán trọ, bạn có thể bị côn trùng, ruồi, kiến, bọ chét... "du ngoạn" vào tai. Chúng gây rất khó chịu với các tiếng động lục bục, ù tai, đau nhói.

Trong các trường hợp đó, cần bình tĩnh, tránh lắc, đập ngoài tai, lấy que bông tăm chọc ngoáy vì sẽ kích động sinh vật đó chạy vào sâu hơn tới màng nhĩ, gây đau, choáng, hoặc chúng đốt, cắn, bám chắc hơn.

Bạn cũng không cần vội vàng hủy bỏ cuộc vui, tốn tiền thuê xe đến bệnh viện. Có biện pháp đơn giản và hiệu quả hơn: Bình tĩnh nằm yên, ngửa tai lên, nhỏ nước từ từ vào ống tai cho ngập tràn. Theo phản xạ, con vật sẽ tự lùi, bò dần ra để tránh nước ngập. Bình tĩnh theo dõi, cho đến khi thấy chúng đã ra khỏi ống tai thì giết để trả thù hay tha bổng là tùy bạn.

Cần xử trí kịp thời khi có vật lạ vào lỗ tai

Thông thường, dị vật tai được chia thành 3 loại: Loại côn trùng, loại hạt của cây, loại hạt nhựa, sỏi đá, kim loại, thủy tinh... Trong nhiều trường hợp, bệnh nhân thường không có triệu chứng gì khó chịu. Trẻ em thường được khám và phát hiện tình cờ, hoặc khi dị vật đã gây biến chứng.

Những cách lấy dị vật thường được áp dụng là bơm rửa bằng nước, dùng kẹp gắp, dụng cụ có móc để kéo dị vật, ống hút. Đặc biệt, dị vật côn trùng sống có thể sơ cứu bằng nhỏ nước muối hoặc nước sạch vào tai, nằm nghiêng về bên đối diện để côn trùng có thể tự bò ra ngoài. Nếu không được thì cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để được xử trí kịp thời. Vì nếu không được gắp bỏ côn trùng có thể bò sâu vào lỗ tai, gây thủng màng nhĩ hoặc làm nhiễm trùng, viêm tai.

Tại cơ sở y tế, tùy vào tính chất, hình dạng, vị trí của dị vật và tình trạng của ống tai cũng như tình trạng toàn thân mà các bác sĩ sẽ có các cách xử trí khác nhau. Nếu dị vật còn ở phần ống tai sụn, chưa bít tắc ống tai thì có thể lấy ra bằng cây móc ráy hoặc bơm rửa cho dị vật trôi ra, nếu dị vật không trôi ra được thì sử dụng ống hút để lấy. Nếu dị vật là côn trùng đang còn sống thì phải làm bất động nó, rồi mới tìm cách nhẹ nhàng lấy nó ra.

Nếu dị vật có kích thước lớn và chắc, kẹt cứng trong ống tai và ở trong sâu thì phải gây tê, thậm chí gây mê để lấy, nhất là ở trẻ nhỏ trong những trường hợp đặc biệt. Thậm chí có trường hợp khó tới mức phải tiến hành phẫu thuật theo đường sau tai hoặc trong tai, đục mở xương thành sau ống tai mới có thể lấy dị vật ra được. Chính vì vậy, nếu gia đình phát hiện trẻ có dị vật ở tai, cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế. Tuyệt đối không được tự ý lấy dị vật tại nhà vì có thể đẩy dị vật vào sâu hơn, làm nguy cơ tổn thương nhiều hơn và khó lấy hơn.

Phản hồi bài viết

Gửi ý kiến đóng góp hoặc thắc mắc của
bạn về bài viết này!

Xin vui lòng nhập chính xác địa chỉ Email của bạn để nhận được thư trả lời.