Máy vi tính thường được đánh giá trước tiên qua cái nhìn từ bên ngoài, mặc dù đó là một điều sai lầm nhưng việc trang bị cho máy vi tính một thùng máy đẹp, chắc chắn và có bộ nguồn tốt là điều nên làm vì chúng sẽ góp phần mang lại sự hoạt động ổn định cho toàn bộ hệ thống.

Thùng máy vi tính

Thùng máy (Case) được làm bằng kim loại, dùng để chứa đựng các bộ phận, thiết bị của máy vi tính. Case thường được lựa chọn theo cảm tính, tuy nhiên những loại Case mắc tiền sẽ được chế tạo chắc chắn và chính xác hơn.

Hình dáng và kích thước của thùng máy vi tính

  • Case có nhiều màu sắc và kích thước lớn nhỏ khác nhau để phù hợp với kích thước của các loại Mainboard.
  • Case có loại để đứng (Tower) và loại để nằm (Desktop). Case để nằm thường có không gian chật hẹp, đôi khi chỉ vừa đủ để gắn 1 HDD và 1 CD/DVD-ROM.
  • Hiện nay loại Case đứng thông dụng hơn vì các máy vi tính sử dụng nhiều ổ dĩa và Card mở rộng nên có công suất lớn, sử dụng Case đứng có không gian rộng rải, thoáng sẽ giúp cho việc giải nhiệt tốt hơn.

Case có nhiều kích thước lớn nhỏ khác nhau
Case có nhiều kích thước lớn nhỏ khác nhau

  • Desktop/HTPC: Loại thùng máy để nằm ngang. Loại thùng máy này gọn nhẹ, có thể để trên bàn làm việc và thường được đặt màn hình lên phía trên. Thùng máy này thích hợp với các Mainboard kích thước nhỏ như Micro-ATX và Mini-ATX.
  • Micro-Tower: Loại thùng máy để đứng. Loại thùng máy này nhỏ gọn, có thể để trên bàn làm việc hoặc phía dưới. Thùng máy này thích hợp với các Mainboard kích thước nhỏ như Micro-ATX và Mini-ATX.
  • Mid-Tower: Loại thùng máy để đứng. Loại thùng máy này lớn hơn Micro-Tower, có thể để trên bàn làm việc hoặc phía dưới. Thùng máy này thích hợp với các Mainboard kích thước trung bình như ATX và Micro-ATX.
  • Full-Tower: Loại thùng máy để đứng. Loại thùng máy này lớn nhất, tuy nhiên nó cũng có thể để trên bàn làm việc hoặc phía dưới. Thùng máy này thích hợp với các Mainboard kích thước lớn như EATX và ATX

Các Mainboard nhỏ có thể lắp vào thùng máy có kích thước lớn hơn nhưng ngược lại các Mainboard lớn không thể lắp vào thùng máy có kích thước nhỏ hơn.

Các nút và cổng trên thùng máy vi tính

Các nút và cổng trên thùng máy vi tính
Các nút và cổng trên thùng máy vi tính

  • Case thường có các nút nhấn Bật/Tắt nguồn (Power, On/Off), nút khởi động lại máy (Reset), các cổng USB và âm thanh phía trước (Micro, Headphone), đèn báo nguồn, đèn báo hoạt động của ổ dĩa cứng (HDD).
  • Các Case lớn thường được trang bị thêm thêm quạt để giúp giải nhiệt cho máy vi tính.
  • Ngoài ra một số Case có thêm đèn màu trang trí, đồng hồ thời gian, đồng hồ nhiệt độ...
  • Thùng máy vi tính được bán kèm theo các ốc vít để giúp cố định Mainboard và các linh kiện vào thùng máy.

Cách lựa chọn thùng máy vi tính

  • Nếu sử dụng Mainboard lớn hoặc lắp ráp nhiều thiết bị bên trong thì nên chọn thùng máy lớn để có đủ khoảng trống lắp đặt.
  • Nếu sử dụng CPU tốc độ cao và các linh kiện có công suất lớn thì thùng máy phải có thêm quạt bên hông hoặc phía sau để thông gió.
  • Thùng máy để nằm tuy gọn nhưng thường chỉ vừa đủ chỗ cho các linh kiện cần thiết tối thiểu và thường không có khả năng mở rộng thêm.
  • Nếu bạn sử dụng ổ dĩa SATA loại để bên ngoài (HDD/CD Box) thì hãy chọn loại thùng máy có đầu cắm SATA External nằm ở phía trước để dễ sử dụng (Trên Mainboard cũng phải có cổng này).
  • Các thùng máy cao cấp đắt tiền có vỏ dày và nặng hơn các thùng máy thông thường.

Xem hướng dẫn cách lựa chọn Mainboard cho máy vi tính để biết các kích thước của Mainboard.

Bộ nguồn máy vi tính

  • Bộ nguồn của máy vi tính (Power Supply Unit, viết tắt là PSU) là bộ phận cung cấp điện năng cho toàn bộ thiết bị bên trong máy vi tính. Bộ nguồn chuyển đổi dòng điện xoay chiều (AC) ra thành dòng điện một chiều (DC) với các mức điện thế ổn định khác nhau để cung cấp điện năng cho các thiết bị của máy vi tính.
  • Một bộ nguồn tốt, công suất cao và điện áp ổn định sẽ giúp cho máy vi tính hoạt động tốt, không bị tình trạng “treo” máy hay tắt đột ngột do quá tải.
    Bộ nguồn máy vi tính (Power Supply)
    Bộ nguồn máy vi tính (Power Supply)

Công suất của bộ nguồn máy vi tính

  • Công suất của bộ nguồn (Power), đơn vị là Watt (W), được tính dựa theo nhiều khía cạnh: Công suất cung cấp, công suất tiêu thụ và công suất tối đa... trong đó phải tính đến hiệu suất của nguồn thường không được ghi trên nhãn hoặc ghi không rõ ràng, bạn cần lưu ý đến các thông số này.
  • Các nhà sản xuất thường công bố công suất của bộ nguồn là bao nhiêu Watt. Một bộ nguồn có công suất lớn hơn có khả năng cung cấp điện nhiều hơn. Bộ nguồn của máy tính để bàn có mức công suất từ 200 watts đến 1800 watts (các bộ nguồn cao cấp dành cho máy chủ, máy tính chuyên dụng,...). và đây là công suất danh định. 
  • Công suất tiêu thụ là công suất mà một bộ nguồn máy vi tính tiêu thụ với nguồn điện dân dụng.
  • Công suất cung cấp của bộ nguồn được tính bằng tổng công suất mà bộ nguồn cấp cho tất cả các thiết bị hoạt động. Công suất cung cấp phụ thuộc vào số lượng và các trạng thái làm việc của thiết bị. Công suất cung cấp thường nhỏ hơn công suất cực đại của bộ nguồn.
  • Công suất cực đại của bộ nguồn máy tính là công suất đạt được trong một thời gian ngắn.
  • Công suất liên tục là công suất lớn nhất mà bộ nguồn có thể đạt được khi làm việc liên tục trong thời gian dài. 
  • Hiệu suất của bộ nguồn máy vi tính được xác định bằng hiệu số giữa công suất cung cấp và công suất tiêu thụ của nguồn. Các bộ nguồn máy tính tốt thường có hiệu suất đạt trên 80%. Bộ nguồn được kiểm nghiệm nếu đạt hiệu suất trên 80% sẽ được dán nhãn "Sản phẩm xanh - bảo vệ môi trường" hoặc phù hợp chuẩn "80+".

Không giống như các thiết bị điện thông thường, máy vi tính có công suất thay đổi tùy theo thời điểm và chế độ làm việc khác nhau. Do đó con số quan trọng là công suất liên tục chứ không phải là công suất cực đại vì bộ nguồn cung cấp điện có thể hoạt động ở công suất cực đại chỉ trong một khoảng thời gian ngắn.

Các loại đầu cắm thông dụng của bộ nguồn máy vi tính

Các loại đầu cắm thông dụng của bộ nguồn máy vi tính
Các loại đầu cắm thông dụng của bộ nguồn máy vi tính

  1. Đầu cắm 24 chân có thể tách rời (20 + 4) để phù hợp với các loại Mainboard khác nhau.
  2. Đầu cắm dành cho các ổ dĩa IDE/ATA (HDD, CD/DVD-ROM,...)
  3. Đầu cắm dành cho ổ dĩa mềm.
  4. Đầu cắm dành cho các ổ dĩa SATA (HDD, CD/DVD-ROM,...)
  5. Đầu cắm dành cho các Card chuẩn PCI Express (Video Card,...)
  6. Đầu cắm 3.3V và 5V dành cho một số loại Mainboard.
  7. Đầu cắm 12V dành cho các Mainboard P4.

Bảo hành

  • Bộ nguồn thường được bảo hành ít nhất 12 tháng (1 năm) theo điều kiện của nhà sản xuất.

* Một số thùng máy được gắn kèm theo sẵn bộ nguồn, bạn có thể thỏa thuận với nơi bán để đổi bộ nguồn khác phù hợp. 
* Các bộ nguồn đặc biệt công có suất lớn dành cho hệ thống cao cấp được bán riêng. 

Các chú ý khi lựa chọn bộ nguồn

  • Bộ nguồn là bộ phận được lựa chọn sau cùng sau khi tính toán công suất của tất cả các thiết bi, linh kiện cần sủ dụng. Sau đó dựa vào các thông số bên trên để lựa chọn bộ nguồn có công suất phù hợp.
  • Công suất của bộ nguồn tối thiểu phải đáp ứng đầy đủ cho các thiết bị của máy vi tính, tuy nhiên công suất của bộ nguồn luôn được tính dư thêm để đảm bảo cho máy vi tính hoạt động ổn định và có thể nâng cấp sau này.
  • Hầu hết các bộ nguồn sẽ đạt được hiệu quả cao nhất với công suất cung cấp trong khoảng từ 40% đến 80% so với công suất danh định. Lựa chọn bộ nguồn có công suất cung cấp trong khoảng từ 50% đến 60% là cần thiết để đạt được hiệu quả tối đa và vẫn còn dư cho việc mở rộng trong tương lai. 
  • Nếu bạn không thể tính được công suất cung cấp thì hãy ghi nhớ rằng thông thường đối với các máy vi tính sử dụng trong công việc văn phòng thì bộ nguồn có công suất khoảng 250W đến 350W là đủ dùng, còn các máy vi tính có sử dụng bộ vi xử lý tốc độ cao, có gắn thêm thiết bị đồ họa rời (VGA Card) thì có thể phải cần bộ nguồn có công suất 450W hoặc lớn hơn.
  • Bộ nguồn phải có các đầu cắm tương thích với Mainboard và có đầy đủ các dây cấp nguồn cho các thiết bị, linh kiện khác như ỗ dĩa và các Card mở rộng,...

Đa số các bộ nguồn trong các máy vi tính tự lắp ráp hiện nay trên thị trường là các nguồn chất lượng thấp hoặc ở mức trung bình. Hiệu suất các nguồn này chỉ đạt nhỏ hơn 50 - 70%, có nghĩa là nếu bộ nguồn này ghi mức công suất là 300W thì thực tế nó chỉ cung cấp được khoảng từ 150W - 210W.

BuaXua.vn

Phản hồi bài viết

Gửi ý kiến đóng góp hoặc thắc mắc của
bạn về bài viết này!

Xin vui lòng nhập chính xác địa chỉ Email của bạn để nhận được thư trả lời.