Máy vi tính cần phải có ổ dĩa để lưu trữ chương trình và dữ liệu của người sử dụng, do đó ổ dĩa cứng (HDD) là một thiết bị không thể thiếu và luôn được lắp sẵn bên trong máy. Ngoài ra đôi lúc người sử dụng cũng cần truy xuất đến các dữ liệu bên ngoài cho nên trang bị thêm các ổ dĩa quang CD-ROM, DVD-ROM cho máy vi tính cũng là việc cần thiết.

Ổ dĩa cứng - Hard Disk Drive (HDD)

  • Ổ dĩa cứng (HDD) là một thiết bị lưu trữ dữ liệu sử dụng một hoặc nhiều dĩa quay cứng được phủ các lớp từ tính. Các dĩa cứng được kết hợp với đầu từ có chức năng đọc và ghi dữ liệu vào các bề mặt dĩa. Không như bộ nhớ (RAM), dữ liệu lưu trữ trên HDD sẽ không bị mất khi tắt máy vi tính.

Các thông số của HDD

Ổ dĩa cứng HDD 3.5
Ổ dĩa cứng HDD 3.5

Hình dáng và kích thước của HDD

  • HDD có nhiều loại nhưng thông dụng là loại có kích thước 3.5" (inch) dành cho máy vi tính để bàn và 2.5" chủ yếu dành cho máy vi tính xách tay.
  • 3.5" và 2.5" là kích thước của dĩa bên trong, kích thước bên ngoài sẽ lớn hơn và chiều dày cũng khác nhau.

Chuẩn kết nối của HDD

  • HDD được kết nối với bản mạch chính (Mainboard) bằng các loại cáp giao diện tiêu chuẩn như cáp ATA (IDE), SATA (Serial ATA), USB (Universal Serial Bus) hoặc SAS (Serial Attached SCSI).
  • Chuẩn kết nối thông dụng của HDD hiện nay là SATA với các chuẩn SATA1, SATA2 và SATA3.

Dung lượng của HDD

  • Dung lượng của HDD là khả năng lưu trữ dữ liệu của nó. Dung lượng càng lớn HDD càng lưu trữ được nhiều dữ liệu. Đơn vi tính là GB (GigaByte) và TB (TeraByte), 1TB = 1024GB (thường được tính chẵn là 1000GB).
  • Một máy vi tính có thể gắn nhiều HDD, số lượng bao nhiêu sẽ tùy thuộc vào số đầu cắm HDD trên Mainboard.

Đa số các máy vi tính thường chỉ có một HDD nhưng được phân chia làm nhiều phần (phân vùng, partition) tạo thành nhiều ổ dĩa khác nhau để giúp tiện việc quản lý dữ liệu chứ không phải có nhiều HDD.

Tốc độ của HDD

  • Tốc độ của HDD được hiểu là tốc độ truy xuất dữ liệu tối đa. Tốc độ của HDD tùy thuộc vào chuẩn kết nối của nó và Mainboard. 
  • SATA1 (SATA 1.0) có tốc độ 1.5 Gbit/s (150MB/s); SATA2 (SATA 2.0) có tốc độ 3 Gbit/s (300MB/s); SATA3 (SATA 3.0) có tốc độ 6 Gbit/s (600MB/s).

Tốc độ vòng quay của HDD

  • Tốc độ vòng quay thông thường của HDD là 5.400rpm, 7.200rpm, 10.000rpm hoặc cao hơn (rpm: Revolutions Per Minute, là số vòng quay trên mỗi phút).
  • Tốc độ vòng quay không phải là tốc độ truy xuất dữ liệu của HDD nhưng tốc độ vòng quay càng cao thì việc truy xuất dữ liệu của HDD càng nhanh. Tuy nhiên việc vận hành với tốc độ cao sẽ làm cho nhiệt độ của HDD tăng cao.

 Bộ nhớ đệm của HDD

  • HDD được trang bị thêm bộ nhớ đệm (Cache) để giúp tăng tốc độ truy xuất dữ liệu. Bộ nhớ đệm này có dung lượng càng lớn thì càng giúp cho việc truy xuất dữ liệu của HDD càng nhanh.

Thời hạn bảo hành của HDD

  • Tùy theo mỗi nhà sản xuất mà HDD sẽ có chế độ và thời hạn bảo hành khác nhau, thông thường là từ 12 -36 tháng.
  • Ổ dĩa cứng được chấp nhận bảo hành khi bị lỗi bề mặt (Bad Sectors), hư phần cơ, điện tử nhưng phải trong tình trạng không có dấu hiệu bị cháy nổ chip (IC), rơi,... và tem bảo hành còn thời hạn, không bị rách. Một số nơi chấp nhận bảo hành khi bị cháy, nổ chip...

Cách lựa chọn HDD cho máy vi tính

  • Bạn hãy dựa vào các thông số bên trên để biết cách lựa chọn HDD phù hợp với nhu cầu sử dụng của mình.
  • Trước hết bạn cần kiểm tra thông số Storage Devices (Thiết bị lưu trữ) trên Mainboard để chọn HDD có chuẩn kết nối phù hợp. 
  • Tiếp theo bạn chọn HDD có dung lượng đáp ứng được nhu cầu sử dụng của bạn. Hệ điều hành và các chương trình ứng dụng thông thường sẽ chiếm không nhều hơn 100GB dung lượng của HDD.
  • Nếu có chơi Game hoặc sử dụng các công việc có nhu cầu lưu trữ nhiều dữ liệu như xử lý phim, ảnh,... thì nên lựa chọn HDD có dung lượng ít nhất là 500GB.
  • Ngoài ra với phong trào xem phim chuẩn Full HD trên máy vi tính hiện nay thì cũng nên nghĩ đến các HDD có dung lượng lớn hơn 1TB (khoảng 1.000GB).

Bạn có thể gắn các HDD có tốc độ khác với tốc độ kết nối của Mainboard (HDD chuẩn SATA1 -> Mainboard chuẩn SATA3 hoặc HDD chuẩn SATA3 -> Mainboard chuẩn SATA1) tuy nhiên tốc độ của HDD chỉ hoạt động ở mức thấp nhất (SATA1) mà thôi.

Một số ổ dĩa cứng có thời hạn bảo hành từ 3 đến 5 năm nhưng các cửa hàng bán lẻ lại giảm xuống chỉ còn 2 năm (24 tháng) hoặc ít hơn, bạn hãy tìm mua tại những nơi có đầy đủ thời hạn bảo hành từ chính hãng.

Hiện nay các máy vi tính đời mới được trang bị Ổ dĩa cứng thể rắn SSD (Solid State Drive) có tốc độ nhanh hơn HDD rất nhiều. Đây là một giải pháp giúp cải thiện tốc độ quá chậm của ổ dĩa cứng so với tốc độ chung của cả hệ thống. Bạn hãy tìm xem bài viết nói về Cách lựa chọn ổ dĩa cứng thể rắn SSD.

Ổ dĩa quang CD-ROM Drive, DVD-ROM Drive

  • Ổ dĩa quang là thiết bị dùng để truy xuất các dữ liệu được lưu trữ trên các dĩa quang (Optical Compact Disc). Các chương trình cài đặt hệ điều hành, các ứng dụng và trò chơi cho máy vi tính thường được phát hành dưới dạng dĩa quang CD-ROM hoặc DVD-ROM.
  • Ban đầu máy vi tính được trang bị ổ dĩa quang thường gọi là ổ dĩa CD-ROM (Compact Disc Read-Only Memory) dùng để đọc các dĩa quang CD-ROM, bao gồm dĩa nhạc (Audio CD), dĩa phim (VCD) và dĩa chứa dữ liệu (Data CD, CD-ROM).
  • Tiếp theo là sự ra đời của các dĩa quang chuẩn DVD với dung lượng cao hơn nên các máy vi tính cũng được trang bị ổ đọc dĩa quang DVD-ROM (Digital Versatile Disc Read-Only Memory hay Digital Video Disc Read-Only Memory) để đọc các loại dĩa DVD-ROM này.

Ổ dĩa DVD-ROM có thể đọc được dĩa CD, VCD, DVD nhưng ổ dĩa CD-ROM chỉ có thể đọc được dĩa CD, VCD.

Ngoài ra còn một loại ổ dĩa gọi là ổ dĩa Blu-Ray (Blu-Ray Disk Drive) dùng để đọc các dĩa Blu-Ray, loại dĩa này được sử dụng để chứa các phim có chất lượng cao (HD). Ổ dĩa Blu-Ray ít được sử dụng trên máy vi tính.

Các thông số của ổ dĩa CD/DVD-ROM

Ổ dĩa CD-ROM và DVD-ROM
Ổ dĩa CD-ROM và DVD-ROM

Hình dáng và kích thước của ổ đọc dĩa CD/DVD-ROM

  • Ổ dĩa CD/DVD-ROM có hình dạng hộp với kích thước 5.25" và thường có vỏ (hoặc mặt phía trước) màu trắng hoặc đen để phù hợp với màu của thùng máy.

Chuẩn kết nối của ổ dĩa CD/DVD-ROM

  • Ổ dĩa CD/DVD-ROM có các chuẩn kết nối tương tự như ổ dĩa cứng, ban đầu là chuẩn ATA (IDE) và hiện nay là chuẩn SATA có tốc độ cao hơn.

Tốc độ của ổ dĩa CD/DVD-ROM

  • Tốc độ của ổ dĩa CD/DVD-ROM là tốc độ truyền dữ liệu tối đa trong một giây. Tốc độ càng cao thì việc truy xuất dữ liệu càng nhanh.
  • Tốc độ của ổ dĩa CD/DVD-ROM được ký hiệu là X, trị số X của CD-ROM là 150KB/s (KiloByte trên giây) còn trị số X của DVD là 1,38MB/s (MegaByte trên giây), 1MB=1024KB. Do đó bạn đừng ngạc nhiên khi nhìn thấy tốc độ ghi trên CD-ROM là 52X còn DVD-ROM "chỉ có" 16X.

* Ổ dĩa CD-ROM ký hiệu 1X có tốc độ tối đa là 150KB/s; Ổ dĩa CD-ROM ký hiệu 52X có tốc độ tối đa là 7.8000KB/s (bằng khoảng 8.2MB/s).
* Ổ dĩa DVD-ROM ký hiệu 1X có tốc độ tối đa là 1.4MB/s; Ổ dĩa DVD-ROM ký hiệu 24X có tốc độ tối đa là 33.2MB/sec.

Chức năng ghi và xóa dữ liệu trên dĩa CD, DVD

  • Chức năng này cho phép ổ dĩa CD/DVD ghi, xóa và ghi lại dữ liệu trên dĩa CD/DVD. Các ổ dĩa có chức năng ghi/xóa này sẽ có ký hiệu là RW (ReWrite).
  • Tốc độ ghi và xóa của ổ dĩa CD/DVD RW thấp hơn tốc độ đọc.

Đọc và ghi được các loại dĩa

  • Thông số này cho biết ổ dĩa CD/DVD có thể đọc được các loại dĩa nào.
  • Nếu là ổ CD/DVD RW thì có thể ghi, xóa và ghi lại các loại dĩa nào.

Công nghệ ghi dĩa 2 lớp - Dual Layer, Double Layer

  • Công nghệ này cho phép ổ dĩa DVD RW ghi lên dĩa DVD có 2 lớp để giúp tăng dung lượng lưu trữ của dĩa DVD lên gấp đôi. Các dĩa này có ký hiệu là DVD-R DL hoặc DVD+R DL. 

Lưu ý dĩa quang có ký hiệu DL (Dual Layer, Double Layer) là dĩa có 2 lớp trên một mặt, khi đọc/ghi không cần lật mặt dĩa. Còn loại dĩa 2 (Double Side) khi đọc/ghi phải lật mặt dĩa.

Ổ dĩa DVD+RW DL - Ghi/Xóa/Ghi lại hỗ trợ ghi 2 lớp
Ổ dĩa DVD+RW DL - Ghi/Xóa/Ghi lại hỗ trợ ghi 2 lớp

Bảo hành

  • Thời hạn bảo hành cho ổ dĩa quang thông thường là 12 tháng, được chấp nhận bảo hành khi bị tình trạng không đọc hoặc kén dĩa, hư phần cơ... và tem bào hành phải còn giá trị.

Cách lựa chọn ổ dĩa CD/DVD-ROM cho máy vi tính

  • Dựa vào các thông số của ổ dĩa CD/DVD-ROM bên trên bạn có thể lựa chọn được ổ dĩa phù hợp với nhua cầu sử dụng của mình.
  • Lưu ý lựa chọn ổ dĩa CD/DVD có chuẩn kết nối tương thích với Mainboard của bạn và có màu phù hợp với màu thùng máy (Case).
  • Một máy vi tính có thể gắn nhiều ổ dĩa CD/DVD-ROM, số lượng tùy theo số đầu cắm trên Mainboard cho phép.
  • Với sự ra đời của các loại thẻ nhớ, ổ dĩa USB (USB Flash Drive) có dung lượng cao, tốc độ nhanh hơn và kích thước cùng nhỏ hơn nên ổ dĩa quang ít được sử dụng.

Hiện nay, do ít thông dụng nên ổ dĩa quang không được sản xuất nhiều như trước nữa cho nên bạn sẽ không có nhiều sự lựa chọn. Ngoại trừ các ổ dĩa CD-ROM cũ thì trên thị trường chỉ còn thấy ổ dĩa DVD-RW.

BuaXua.vn

Phản hồi bài viết

Gửi ý kiến đóng góp hoặc thắc mắc của
bạn về bài viết này!

Xin vui lòng nhập chính xác địa chỉ Email của bạn để nhận được thư trả lời.